Thông tin tổng quan về ván dăm Okal
Ván Okal hay còn gọi là ván dăm (Particle Board) thuộc dòng gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su,…). Ván Okal được sử dụng rộng rãi trong thiết kế và thi công nội thất do có nhiều ưu điểm như có độ bền cao, kích thước bề mặt rộng, giá thành rẻ và đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Lịch sử hình thành và phát triển
Có thể nói, so với các loại gỗ công nghiệp khác thì “tuổi đời” của gỗ Okal (gỗ dăm) vẫn còn khá non trẻ. Ván gỗ Okal được phát minh vào năm 1932 bởi một phi công lái máy bay chiến đấu của Không Quân Đức đồng thời cũng là một nhà phát minh – Himmelheber. Khi đang làm việc cho một nhà máy tại Bremen (Đức), Himmelheber đã nảy ra ý tưởng từ những vụn gỗ thừa, ông đem những vụn gỗ, vỏ bào, mùn cưa trộn với một loại keo đặc biệt và ép chúng thành ván gỗ.
Tính chất vât lý và thành phần cấu tạo
Ván dăm thường có màu nâu hoặc vàng, riêng ván dăm chống ẩm có màu xanh và ván dăm chống cháy có màu đỏ. Tỷ trọng trung bình của ván dăm từ 650-750 kg/m3. Các khổ ván dăm thông dụng là 1220 x 2440 và 1830 x 2440 (mm) với độ dày thông thường là 17, 18, 25 (mm). Điểm đặc biệt trong tính chất vậy lý của ván dăm là loại gỗ này có khả năng tự phân hủy sinh học theo thời gian.
Thành phần cấu tạo chính của ván dăm là gỗ chiếm đến khoảng 80%, 9-10% là keo Urea Formaldehyde (UF), 7-10% là nước và dưới 0,5% là các thành phần khác như Parafin, chất làm cứng,… Tuy nhiên, cốt ván dăm tiêu chuẩn là cốt gỗ ván ép được sản xuất theo tiêu chuẩn thông thường nên sẽ không có khả năng chống ẩm, rất dễ bị hư hỏng khi ở trong môi trường ẩm ướt.
Do đó, để tăng cường khả năng chống ẩm cho ván thì người ta thường trộn thêm Melamine vào keo UF, tạo thành keo Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine (MUF), điều này giúp tăng độ liên kết và giảm độ hút nước, tăng khả năng chịu lực và đặc biệt hơn là có khả năng chống trương nở rất tốt. Ngoài ra còn có loại ván dăm chống cháy, thạch cao và xi măng được sử dụng làm chất kết dính để tạo khả năng chống cháy cho ván dăm.
Các loại cây gỗ rừng trồng như bạch đằng, cao su, keo hay phế liệu gỗ trong quá trình chết biến đều có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất ván dăm. Ngoài ra cũng có thể sử dụng các loại thực vật có chứa Lognin như bã mía, rơm rạ, cây lanh, cây gai dầu,…
Ưu điểm của gỗ ván dăm Okal
Một số ưu điểm của ván dăm có thể kể đến như:
- Giá thành thấp so với ván MDF hay ván dán.
- Ván dăm có độ cứng và độ bền cơ lý cao do đặc điểm cấu tạo từ các dăm gỗ.
- Ván dăm có lực bám vít đặc biệt tốt, giữ vít chắc chắn qua thời gian dài sử dụng.
- Bề mặt ván dăm tương đối phẳng nên dễ dàng xử lý bề mặt bằng cách phủ Melamine, Laminate lên trên nhằm tăng tính thẩm mỹ, chống ẩm và chống trầy xước.
Nhược điểm còn hạn chế ở gỗ dăm Okal
Một số hạn chết của ván dăm:
- Khả năng chịu tải trọng, chịu lực của ván dăm thấp hơn so với các loại gỗ công nghiệp khác.
- Khi cắt tấm ván dăm thường dễ để lại vết mẻ, không đều do thành phần cấu tạo từ các dăm gỗ.
- Nhìn chung, tuổi thọ của các sản phẩm làm từ ván dăm tương đối thấp hơn so với các loại ván gỗ công nghiệp khác.
Ứng dụng
- Ván dăm với cốt gỗ tiêu chuẩn không chống ẩm thì thông thường chỉ dùng để thiết kế đồ nội thất cho những khu vực khô thoáng, không ẩm ướt và ít tiếp xúc với nước như bàn ghế trong nhà, nội thất văn phòng, tủ quần áo, giường ngủ, tủ kệ sách,…
- Loại cốt dăm chống ẩm thì có thể được ứng dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là ở những nơi dễ ẩm ướt như nội thất khu vực bếp, cửa phòng vệ sinh, tủ âm tường,… hay khu vực ngoài trời.
- Ngoài ra, vách dăm còn được sử dụng làm khuôn đổ bê tông, vách ngăn, vách xây dựng,…
Hy vọng rằng thông qua bài viết trên, quý vị và các bạn đã có được những kiến thức tổng quát nhất về đặc điểm cấu tạo, ưu nhược điểm cũng như tính ứng dụng của ván dăm (ván okal) để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.